Để in một bức ảnh/áo thun hoàn hảo đôi khi chúng ta có thể bị nhầm lẫn giữa 2 hệ màu CMYK và RGB gây nên tình trạng lệch màu. Đối với những designer kinh nghiệm, việc phân biệt 2 hệ màu này không có gì khó khăn. Nhưng với những người mới bước vào nghề hoặc một người dùng bình thường việc phân biệt không phải là điều dễ dàng. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua về hệ màu phổ biến trên.
Màu sắc là gì?
Theo thí nghiệm của bác học Newton thì sau khi chùm tia sáng trắng đi qua lăng kính thì nó thành một quang phổ, gồm nhiều màu đơn sắc sắp xếp cạnh nhau, được gọi là hiện tượng tán sắc ánh sáng. Bác học Newton cho rằng, ánh sáng mặt trời được cấu tạo bằng vô số những tia bức xạ lan rộng từ màu Đỏ đến màu Tím. Mỗi loại tia sáng tạo ra màu có bước sóng dài ngắn khác nhau, tia sáng có bước sóng ngắn thì sẽ bị khúc xạ nhiều hơn loại tia sáng có bước sóng dài.
Từ bảy màu trên quang phổ cầu vồng: Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Chàm, Tím, người ta có thể phân biệt rất nhiều màu chuyển tiếp, trung gian, nối liền bảy màu này. Do đó, về mặt quang học, ta có thể khẳng định, màu sắc là ánh sáng, hay có thể gọi màu sắc là con đẻ của ánh sáng, là hiệu quả hiển thị của các loại ánh sáng có bước sóng dài ngắn khác nhau. Ngoài ra, màu sắc còn là do sự phản chiếu của ánh sáng trên những vật thể. Như vậy thì bản thân màu sắc là ánh sáng và bản thân vật thể ấy cũng có màu sắc.
Những màu sắc cơ bản
Màu cơ bản là những kiến thức sơ đẳng nhất về hội họa bạn có thể được nghe ở các giờ học vẽ trong chương trình học phổ thông. Nó là những màu sắc mà khi kết hợp với nhau theo những tỉ lệ nhất định sẽ tạo ra một màu mới nằm trong dải ánh sáng nhìn thấy. RGB và CMYK là 2 hệ màu có các hệ thống màu cơ bản khác nhau: RGB là 3 màu cơ bản của ánh sáng thông thường còn CMYK là hệ thống màu cơ bản dành cho ngành in ấn.
RGB là gì?
Hệ màu RGB là viết tắt của cơ chế hệ màu cộng gồm 3 màu cơ bản là Red, Green và Blue là ba màu chính của ánh sáng trắng sau khi được tách ra nhờ lăng kính. Những màu này khi kết hợp theo tỉ lệ nhất định sẽ tạo ra rất nhiều màu khác nhau trong dải ảnh sáng nhìn thấy, và khi kết hợp cả 3 màu lại với nhau với tỉ lệ 1 : 1 : 1 chúng ta sẽ được màu trắng.
- R = Red (đỏ)
- G = Green (xanh lá)
- B = Blue (xanh dương)
Nguyên lý làm việc của hệ RGB là phát xạ ánh sáng, hay còn gọi là mô hình ánh sáng bổ sung (các màu được sinh ra từ 3 màu RGB sẽ sáng hơn các màu gốc)… Nếu CMYK là nơi bạn bắt đầu từ một tờ giấy trắng và sau đó thêm các màu khác, thì RGB hoạt động ngược lại. Ví dụ, khi màn hình TV tắt thì nó tối đen, khi bạn bật nó lên nó sẽ thêm các màu đó, xanh lá cây, xanh dương, cộng thêm hiệu ứng tích lũy là màu trắng, để từ đó phát ra ánh sáng và hình ảnh.
Bởi thế hầu hết các thiết bị điện tử sử dụng màu bằng cách phát quang như TV, màn hình máy tính, màn hình điện thoại… đều sử dụng RGB làm hệ màu chính. Chế độ màu RGB có một gam màu lớn hơn nhiều so với CMYK, đặc biệt trong vùng các màu huỳnh quang sáng. Do đó, Khi thiết kế các nội dung mà bạn muốn hiển thị trên web hoặc trong video, RGB là chế độ màu mà bạn nên chọn.
CMYK là gì?
Những cái tên ở trên có lẽ rất quen thuộc với bạn bởi hộp mực bạn mua cho máy in của mình hầu hết đều sử dụng hệ màu CMYK. CMYK là từ viết tắt tiếng Anh của cơ chế hệ màu trừ, thường được sử dụng trong in ấn. Nó bao gồm các màu sau:
- C = Cyan (xanh)
- M = Magenta (hồng)
- Y = Yellow (vàng)
- K = Black (Đen) (sở dĩ dùng từ K để chỉ màu đen vì ký tự B đã được dùng để chỉ màu Blue rồi, ngoài ra K còn có nghĩa là Key, mang ý chỉ cái gì đó là chủ yếu, là then chốt)
Nguyên lý làm việc của hệ CMYK là hấp thụ ánh sáng. Màu mà người ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ, hay nói cách khác, chúng hoạt động trên cơ chế những vật không tự phát ra ánh sáng mà chỉ phản xạ ánh sáng từ các nguồn khác chiếu tới.
Nghĩa về màu CMYK thì dễ dàng hơn bởi vì chế độ dường như tuân theo các quy tắc đã được học ở trường. Trộn màu xanh (Cyan) với màu hồng (Magenta) sẽ cho ra màu xanh dương (Blue), màu hồng (Magenta) với màu vàng (Yellow) sẽ cho ra màu đỏ (Red), màu xanh (Cyan) với màu vàng (Yellow) sẽ cho ra màu xanh lá cây (Green), ba màu Cyan, Magenta, Yellow kết hợp lại sẽ cho ra màu Đen (Black).
Cyan, Magenta và Yellow được gọi là 3 màu cơ bản của máy in. Điều đặc biệt của 3 màu CMY là khi chúng kết hợp với nhau theo tỉ lệ 1 : 1 : 1 lại cho ra màu đen, bởi vậy một số lại máy in có hộp mực sử dụng 3 màu CMY vẫn có thể tạo ra được đầy đủ màu sắc khi in trên giấy. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu một bức ảnh sử dụng nhiều đến màu đen, chắc chắn bạn sẽ phải tốn một lượng lớn mực của cả ba màu trên để có thể in xong bức tranh đen trắng đó. Bởi vậy các nhà thiết kế đã đưa thêm màu đen (Black) hay còn gọi là Keyline vào hệ thống 3 màu của máy in với mục đích tiết kiệm mực cho 3 màu cơ bản còn lại.
Các máy in ngày nay sử dụng bốn mực CMYK để tạo nội dung in màu. Do đó, đối với các nội dung mà bạn muốn in, bạn nên chọn chế độ màu CMYK.
Chuyển đổi qua lại giữa các mode màu
Trong hầu hết các phần mềm đồ họa đều có chức năng cho bạn chuyển đổi qua lại giữa các mode màu, mình chỉ giới thiệu cách làm ở 2 phần mềm thông dụng nhất là Photoshop và Illustrator để các bạn tham khảo :
Trong Illustrator: Vào menu File > Document Color Mode > CMYK Color (hoặc RGB Color)
Trong Photoshop: Vào menu Image > Mode > chọn mode mình muốn chuyển
Tuy nhiên, do CMYK là hệ màu trừ và RGB là hệ màu cộng nên khi chuyển đổi qua lại sẽ không tránh khỏi tình trạng bị lệch màu. Sau khi chuyển đổi, các thông số của từng màu sẽ không phải số nguyên chẵn mà là các số thập phân lẻ, tùy theo mode màu mà kết quả các bạn nhận được sẽ sáng hơn hoặc tối hơn màu ban đầu.
Chia sẻ cảm nghĩ